Thú Vui Chim Cảnh Sài Gòn

Không muốn mang tiếng quê mùa, tôi quyết tâm khám phá cà phê chim và cũng bị thu hút bởi thú chơi chim cảnh của người Sài Gòn. Nói ngắn gọn thì "Vui là chính!".

Chẳng ở đâu xa, cà phê chim mà anh bạn úp mở chính là một góc trong Công viên Tao Đàn. Nơi đây lúc nào cũng đông người đến vui chơi, sinh hoạt, tập thể dục, nhưng sáng cuối tuần thì đông hơn nhiều.

Khách dễ dàng nhận ra quán cà phê chim khi vừa gửi xe vào bãi, bởi từ xa đã thấy lồng chim xếp hàng treo lủng lẳng trên giàn, ngoài bãi cỏ. Trên những chiếc bàn khách ngồi uống cà phê, nhiều chiếc lồng chim chễm chệ xí chỗ. Dù tôi là kẻ ngoại đạo, không quen biết ai, nhưng thấy dáng vẻ ngó nghiêng của tôi, các bậc đàn anh liền vui vẻ bắt chuyện.

Từ lâu, Công viên Tao Đàn (cổng trên đường Cách Mạng Tháng Tám) đã là điểm hẹn của những người mê chim vào những sáng cuối tuần, mà phần đông trong số họ là thành viên của Câu lạc bộ Nghệ nhân Tao Đàn. Họ đến đây vừa để uống cà phê, vừa "tác nghiệp".

Những cái tên như Nghĩa, Hùng, Lộc, Tuấn, Thùy... thuộc hàng thâm niên gắn bó với nơi này mà có lẽ trong giới ai cũng biết. Dưới vòm cây xanh và ánh nắng ban mai, chim lồng và cả chim trời thi nhau nhảy nhót, cất tiếng hót lảnh lót, hợp thành một bản âm hưởng thật sinh động.

Thôi thì đủ loài chim, nào họa mi, chích chòe, nào hoàng yến, sơn ca, nào khoen xanh, khoen vàng... Các chủ nhân vừa ngắm chim vừa luận bàn, còn khách dạo công viên thấy vui, thấy lạ cũng bị níu chân lại.

Vừa tỉ mẩn vặt chân túi cào cào chuẩn bị bữa ăn cho chim, thấy tôi ngạc nhiên, anh Hoàng giải thích, phải làm vậy để chim ăn không bị trầy xước cổ. Nhà anh ở cư xá Vĩnh Hội (quận 4), nhưng sáng nào cũng sang đây để lấy mối cào cào để có thức ăn tươi cho chim.

Anh cười, nói: "Ở đây nhiều người như vậy lắm, chứ không riêng gì tôi đâu. Người đi làm công sở thì đến sớm, về sớm để còn đi làm. Đã như một thói quen, không đi là thấy thiếu thiếu, không chịu được. Ngày mưa anh em cũng ra đây ngồi với nhau, nhưng không xách theo lồng chim".

Một nghệ nhân chim cảnh lâu năm đúc kết: "Nuôi một con chim cảnh đạt đến trình độ hót hay, múa đẹp, đá điêu luyện là cả một nghệ thuật, giống như nuôi đứa bé từ khi mới chập chững biết đi đến lúc trưởng thành. Ngoài đam mê còn phải có kinh nghiệm, phải chịu vất vả, khó nhọc với nghề chơi chứ không nhàn nhã như nhiều người vẫn nghĩ".

Chơi chim cũng có "truyền thống". Gia đình anh Tâm có năm anh em, người nào cũng mê chơi chim từ nhỏ. Trong đó, anh Tâm là người có "số má" trong nghề nhất, từng đoạt nhiều giải thưởng cao trong các hội thi chim.

Không chỉ chơi chim, anh còn kiêm nghề mối lái, mua bán chim cũng rất hanh thông. Anh thường xuyên có mặt ở Tao Đàn, bởi đó là địa điểm anh thường giao dịch. Ai mới chơi hoặc cần loại chim nào, giá tầm bao nhiêu, anh đều đáp ứng.

Niềm vui của người mê thú nuôi chim là những giây phút được tận hưởng thành quả của mình sau bao ngày vất vả nuôi nấng, chăm sóc, huấn luyện. Đó là được nghe tiếng chim hót, xem những điệu múa, chứng kiến những trận đá oai hùng của chim.

Với người ngoại đạo thì chim nào cũng là chim, nhưng dân trong nghề chia chim thành ba loại chính là chim cảnh, chim hót và chim đá. Theo ông Võ Tấn Nghĩa - một người chơi chim kỳ cựu với thâm niên ba mươi lăm năm thì loại chim nào cũng phải đảm bảo bốn tiêu chí cơ bản "thanh - sắc - hình - bộ" mới tạm coi là "chơi được". Thanh nghĩa là tiếng hót phải hay, sắc là màu lông phải đẹp, hình là cơ thể, vóc dáng phải đối xứng, săn chắc và bộ là tổng thể tướng bộ chim phải toát lên thần thái riêng.

Chim cảnh được ví như những "người mẫu" vì chúng được "ghi điểm" bằng vẻ bề ngoài: dáng phải chuẩn, bộ lông mượt mà, màu sắc hài hòa, đặc sắc. Ứng viên sáng giá của loại chim này thường là các loài chích chòe, hoàng yến, yến phụng, thanh tước, hỏa tiễn...

Chim hót (gáy) phải có tiếng hót đạt chuẩn về độ trong, vang, lảnh lót. Chim hót còn được chia làm hai loại là chim học nói tiếng người như vẹt, sáo, nhồng, cưỡng... và chim có giọng hót hay như họa mi, sơn ca, khướu, thanh lam, hồng hoàng...

Những nghệ nhân có kinh nghiệm nuôi chim hót cho rằng để có chim hót hay thì phải tập cho chim hót thường xuyên, lâu ngày chim hình thành phản xạ có điều kiện mới có thể đi biểu diễn, thi đấu. Chim thiếu kinh nghiệm đến chỗ lạ, đông người là hoảng sợ, không thể hiện, phô diễn được sở trường. Ở chúng tôi loại chim hót hay được người chơi ưa chuộng hơn cả.

Trong nhóm chim đá có chích chòe lửa, chích chòe than và chìa vôi được liệt vào loại võ sĩ. Chúng được chăm sóc, tập luyện một cách công phu để đã vào trận là quyết đấu đến cùng. Đối với chim đá thì cách ra đòn, thế đá, kỹ xảo bẻ chân đối thủ là rất quan trọng. Loại này chỉ thích hợp với người chơi có tính cách mạnh, thích phân tranh thắng bại, lại dễ sinh nạn cá cược nên nhiều người chơi thuần túy để vui không mặn mà.

Tùy sở thích mà mỗi người chơi lựa chọn loại chim nào để thuần dưỡng, đào tạo thành "ca sĩ", "người mẫu" hay huấn luyện thành "võ sĩ". Trên thị trường thì bao giờ cũng vậy, có cung ắt có cầu.

Ông Nghĩa cho biết: "Đã sa vào thú chơi này, người nào cũng phải trang bị mấy lồng chim. Có người nuôi mấy chục con là chuyện thường. Người này có thể nhượng lại chim cho người khác khi mua được con mới ưng ý hơn".

Với người mới nhập môn thú chơi này, đi dạo một vòng chợ chim Lê Hồng Phong (quận 10), hoặc đến Hội Sinh vật cảnh của các quận 12, Tân Bình, Tân Phú hay Câu lạc bộ Nghệ nhân Tao Đàn là có thể kiếm được ngay vài chú chim hợp ý còn non với giá mềm. Những người đã có "số má" phải có những nguồn cung đặc biệt, tùy vào quan hệ quen biết, mối lái riêng.

Anh Bảo, người có trên chục năm trong nghề phân tích: "Tiền nào của đó cả thôi! Chim đẹp, giỏi thì có giá cao và số tiền bỏ ra để tậu được cũng vô chừng. Người bán có kinh nghiệm thường nhìn mặt người mua xem khách hàng mê chim đến cỡ nào để định giá. Giá những con vừa mới đăng quang hay thắng trận sau những cuộc thi thường tăng vùn vụt".

Hiện nay, một con chim chích chòe đá hay có giá vài triệu đồng là thường, một con họa mi hót hay, múa đẹp có thể được mua với giá rẻ là năm đến mười triệu đồng. Chỉ có chim bổi (chim hoang dã mới bắt được) là có mức giá khá ổn định, chỉ từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Còn chim thuộc (đã qua thuần dưỡng và huấn luyện) thì giá cả có sự dao động nhiều.

Anh Đại - người gốc miền Trung, từng săn bắt chim rừng bán cho người chơi ở các thành phố - tỏ ra rất rành rẽ về tướng đẹp hay xấu của loài chim. Người chơi phải tinh mắt nhìn ra ẩn tướng thì mới thành công trong việc huấn luyện chim.

Theo anh, chim hót như chích chòe lửa phải chú ý đến chiếc mỏ ba lá, mũi thông, cổ thắt, đuôi dài, dáng đẹp... Chim đá như họa mi cần hội đủ các yếu tố đầu xà, mắt phụng, lưng quy, chân mạnh nhưng không thô, mỏ phải dày, lớn.

Chim rừng là thế, nhưng khi được thuần dưỡng, mỗi con sẽ có "miếng" riêng nhờ vào người chủ tập luyện. Cũng cần phải kể đến chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc, phòng bệnh, tắm nắng, chống lạnh cho chim.

Thức ăn cho chim cũng phải là loại tự nhiên, tươi ngon nhất như cào cào, sâu tươi. Bao nhiêu việc tỉ mỉ nên mỗi ngày, người chơi mất vài giờ để chăm sóc chim là chuyện thường. Nghề chơi chim lắm công phu là thế!

Khi chim đã ra dáng, để chuẩn bị tham gia thi thố, chủ nhân phải mang chim đi chào sân để "sổ" chim. Anh Thúc ở đường Lê Văn Sỹ (quận 3) hằng ngày bận đi làm nên sáng sớm cuối tuần mới mang được chim đến điểm hẹn để tập hót.

Anh cho biết phải cho nó đến tập thì hót mới đúng giọng với những con chim cùng loài và còn hót được theo giọng những loài chim khác. Cứ phải miệt mài đến điểm hẹn như vậy cho đến khi chim hoàn thiện dần thanh, sắc và tăng độ dạn dĩ thì mới hy vọng chim sẽ phô được hết các ngón nghề tuyệt kỹ.

"Tính nết chim cũng giống như người. Có con dễ dạy, có con khó dạy. Gặp con khó dạy thì người chơi phải kiên trì, vì thế khi đạt được kết quả thì có gì sướng bằng" - anh Thúc hào hứng giải thích.

Đã có giai thoại về những nghệ nhân "mát tay", hoặc "tài không đợi tuổi", tức là vào nghề chưa lâu mà đã rinh được nhiều giải thưởng ở nhiều cuộc thi. Cũng chẳng thiếu người chơi đã lâu năm mà cứ xách lồng đi thi lại xách lồng về với con chim yêu quý chẳng chút danh tiếng, đành tự an ủi: "Ồ, nhằm nhò gì, vui là chính!".„

Next Post Previous Post