Cu Gáy Nuôi Sinh Sản Tại Chuồng
Chim Cu gáy tuy nhát người, nhưng nếu được từ nuôi lúc mới ra ràng, và đúng cặp trống mái thì lớn lên chim đẻ ngay tại chuồng.
Đây là việc xưa nay nhiều nghệ nhân đã từng áp dụng và đem lại kết quả rất tốt. Có điều như quí vị đã biết, do giá trị con Cu gáy không đáng bao nhiêu, bán ra không được mấy đồng tiền so với công lao và tiền của để nuôi nấng phải bỏ ra nên phần đông nghệ nhân nuôi chim chỉ nuôi một vài cặp để giải trí mà thôi.
Một cặp Cu gáy con bắt từ trong tổ ra thường là đủ cặp trống mái, nếu có sự sai biệt thì chỉ độ vài ba phần trăm không đáng kể. Mặt khác, như quí vị đã biết, sự đồng huyết ở nhiều loại lông vũ tuy có nhưng không mấy ảnh hưởng quan trọng như các loài thú có vú, nên một đôi chim cùng tổ vẫn có thể cho ghép cặp và sinh con đẻ cái như thường.
Cặp chim con này nếu cho ăn uống no đủ thì đến mùa sau, chúng bắt đầu sinh sản, tức là chim con mùa trước sẽ sinh sản mùa sau.Có nhiều nghệ nhân chịu khó bỏ công chăm sóc, lại chọn cho chim những thức ăn bổ dưỡng cần thiết, nên chỉ bảy tám tháng tuổi, Cu gáy đã bắt đầu đẻ.
Cu gáy thích ăn các loại hột như lúa, đậu xanh, bắp hột nhỏ, hột cải, hột kê, nhưng với thực phẩm gia cầm (cám gà, cám cút) chúng cũng đều tỏ ra thích khẩu cả. Do lúc nào cũng được no mồi, lại là thứ mồi bổ dưỡng, nên Cu gáy nuôi chuồng không những đẻ sớm lại còn đẻ sai. Chúng không còn đẻ theo mùa mà đẻ suốt năm, khoảng mười lứa, y như bồ câu vậy. Hễ lứa con chim này sắp ra ràng là chim mẹ lại sửa soạn đẻ lứa trứng kế tiếp...
Trước hết ta phải đóng chuồng để nuỏi. Chuồng nuôi Cu gáy đẻ phải làm vừa rộng vừa cao, và mỗingăn chuồng chỉ nuôi được một cặp.
Chuồng nên được vây kín bằng lưới kẽm mắt nhỏ độ một phân dể ngăn ngừa chuột lắt chui vào phá hại thức ăn, cùng trứng và chim con. Chuồng nên treo cao cách mặt đất ít ra cũng một thước mới tốt. Ta nên tránh cho chim bị mèo đến rình mò phá phách, khiến cho chim bị ngưng đẻ do quá sợ hãi. Sự ngưng đẻ này có thể chỉ trong một thời gian hoặc có thể vô sinh mãi mãi.
Về kích thước của chuồng, bề cạnh mặt đáy ít ra cũng rộng từ năm đến bảy tấc, như vậy mới có mặt bằng rộng rãi đểđủ chỗ cho cặp chim vận động. Chiều cao của chuồng phải từ tám tấc đến một thước, hoặc hơn, do bản tính Cu gáy khi ăn mồi thì đậu sát đất, nhưng khi đậu lại thích đậu nơi cao, làm tổ cũng vậy. Vì vậy nóc chuồng mà quá thấp thường thất lợi cho việc đặt tổ chim.
Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy, tổ đặt càng cao thì chim Cu gáy càng thích thú hơn là tổ đặt ở độ thấp. Tổ đặt càng gần sát nóc lồng thì chim có cơ hội vận động nhiều ở cặp cánh nên trông chúng khỏe ra, lanh lợi hơn. Có nhiều cặp chim khi gặp tổ thấp chúng tỏ ra biếng ấp, cứ tìm dịp bỏ tổ để bước ra ăn uống, hoặc vui chơi với con bên dưới mà bỏ ấp hoài. Và cũng do nhiều lần tự ý dời tổ như vậy nên có khi trứng bị giập bể đáng tiếc.
Trong khi đó nếu chiếc tổ được treo cao, cách nền chuồng khoảng năm sáu tấc, chim tỏ ra mê ổ hơn, ấp siêng hơn, và chúng cũng bớt sợ hơn, mồi khi ta cần châm thêm thức ăn nước uống trong chuồng cho chúng.
Tổ chim Cu gáy ta có thể dùng nửa cái gáo dừa khô, hoặc bằng cái rổ nhỏ do mình tự đan lấy cũng được miễn sao dung tích của tổ bằng miệng tổ nhỏ là vừa. Trong tổ ta có thể để sẵn một nắm cỏ khô, rơm khô, hoặc xơ dừa xé nhỏ thành sợi. Đến ngày đẻ, chim cứ vào tổ mà xoáy ổ cho vừa ý. Hoặc ta cứ để sẵn một mớ cành cây khô nhỏ, rơm rác vào chuồng, đôi chim cha mẹ sẽ biết cách nhặt nhanh từng cọng một để tự xây tổ lấy.
Trong chuồng, nên bắc vài ba cái cầu cho chim đậu. Cầu nên đặt có cái thấp cái cao để chim dễ dàng chuyền qua lại cho thỏa thích. Hoặc ta thay những cầu đó bằng một cây khô có dáng uốn lượn mỹ thuật lại càng hay.
Giống chim Cu gáy thích kiếm ăn sát đất, vì thế chúng còn có tên là Cu đất, nhưng khi ăn no thì lại thích đậu cành cây cao. Ngoài thiên nhiên, chúng ta thường thấy chim Cu thích đậu ở chót vót ngọn tre, hoặc trong những lùm tre nứa rậm rạp. Sở thích của Cu gáy lại còn ưa tắm táp nữa. Nhưng Cu gáy nuôi chuồng mà không chịu tắm thì dù có khay nước thường trực trong chuồng chúng cũng không chịu tắm.
Trong suốt thời gian chim ấp, tuyệt đối không nên cho tắm nước, vì như vậy chim sẽ ướt lông và làm ung ổ trứng.
Khi chim con nở được từ mười lăm đến mười bảy ngày, ta nên đặt một chiếc tổ mới gần với tổ cũ để chim mẹ bước sang xoáy tổ mà đẻ lứa sau.
Với chim nuôi đẻ trong chuồng, ta nên đặt nhiều cóng thức ăn thường trực để chim thích ăn thức gì thì có ngay thức đó. Chẳng hạn như một cóng lúa, cóng đậu xanh hột, cóng hột kê, hoặc cóng cám thực phẩm gia cầm...hoặc chỉ một cóng duy nhất nhưng trộn những thức ăn trên lại với nhau. Nuôi Cu gáy cùng cần đến khoáng chất, nhất là trong thời kỳ sinh sản, chúng tiêu thụ chất khoáng rất nhiều.
Trong thời kỳ nuôi con, chúng cũng uống nước khá nhiều, vì vậy ta không nên để cho chim bị thiếu nước uống.
Tóm lại, nuôi chim Cu gáy trong chuồng để cho chúng sinh sản là chuyện dễ thực hiện nhưng ta phải áp dụng đúng những điểm sau đây:
- Chim cha mẹ được nuôi từ chim con lên, và nên nuôi chung cả cặp từ nhỏ cho đến khi khôn lớn.
- Phải nuôi chim bằng loại chuồng vừa cao vừa đủ rộng để chim được sống thoải mái. Chuồng được đặt vào nơi thật sự yên tĩnh, tránh xa chó mèo, chuột bọ đến phá hại.
- Nên cho chim ăn thật no đủ và bổ dưỡng. Hễ lứa chim con này vừa ra ràng là bắt ra nuôi riêng để cha mẹ chúng được rảnh rang lo cho lứa khác.
Nếu việc chăn nuôi này áp dụng đúng phương pháp thì mỗi cặp chim Cu gáy cha mẹ, có thể nuôi đẻ được liên tục suôt bốn năm mới gọi là già...
Chim càng nuôi thuần thuộc, đẻ trong chuồng được nhiều lứa thì chúng dạn dĩ chẳng khác gì bồ câu, ta muốn kiểm soát trứng hay chim con lúc nào cũng được, chim cảnh cha mẹ không hề bị sốc.